Thư cho em vào những ngày giáp Tết


Thư cho em vào những ngày giáp Tết
-Phạm Hạnh-
Em Mái Ấm Bồ Đề thương quý.
       Thầy viết cho em lá thư này vào những ngày giáp Tết, mặc dù Thầy Trò ta vẫn thường xuyên gặp gỡ, vẫn cùng nhau lặn lội đến những nơi đang cần tình thương, đang cần giúp đỡ. Dù gặp gỡ thường xuyên nhưng Thầy cảm thấy cần phải nói gì đó bằng lá thư này để Thầy khỏi nói một mình.
       Năm nay Tết đến một cách lặng lẽ, vội vàng và chóng vánh. Có lẽ vì cơm cao gạo kém nên chẳng ai màng gì đến Tết. Tết đến như người khách không mời mà đến, năm cùng tháng tận mà chẳng mấy ai có khái niệm về Tết. Từ những người có đồng lương ổn định, có lương tháng thứ 13, có lộc có thưởng...Phần lớn còn lại riết róng, chật vật với đồng tiền ít ỏi nhặt nhạnh hằng ngày. "Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi" nói chi đến "Tết ơi ! Xuân à". Đôi lúc Thày hỏi vui mấy người hàng xóm "Chuẩn bị Tết chưa ?" Họ trả lời một cách thờ ơ : "Tết cũng như ngày thường, có chi chuẩn bị ?" Sau đó Thầy không dám hỏi ai câu đó nữa vì sợ chạm đến nỗi đau lầm lũi trong họ.Đi về sâu các vùng hẻo lánh, thôn cùng xóm vắng, bóng dáng của mùa xuân càng mờ nhạt hơn nữa. Ở đấy không có không khí Tết nhất như chốn thị thành. 
        Mấy bữa rày Thầy không viết blog về những đề tài quá ư xa lạ. Ngôn ngữ thi ca cũng chỉ là rơm rác. Văn chương triết lý gì gì cũng chỉ là trò chơi múa mép cho vui. Thực tại cuộc sống là những nỗi đau, nỗi lo đã chiếm ngự tâm hồn của những người khốn khó, chật vật trong kế sinh nhai. Thực tại cuộc sống vẫn diễn ra là những nhà nghỉ, nhà trọ, những quán nhậu mọc lên như nấm. Bên cạnh những con người vật vã với cuộc sống áo cơm là những tầng lớp ăn chơi hưởng thụ. Mỗi cái bật nắp của bọn cơ hội bằng gạo đong từng bữa của người cơ nhỡ.
       Em thương quý.
       Thầy thương em quá, Thầy quý em nhiều. Em cũng chẳng khấm khá gì cho cam, cũng chẳng dư dật gì cho lắm. Nhưng được cái là em đã quên nỗi đau riêng để hòa mình trong nỗi đau chung. Vào trong, nỗi đau nặng tợ Thái Sơn, ra ngoài, nỗi đau nhẹ tợ lông hồng. Em đã chọn thứ hạnh phúc đến từ lòng vị tha. Thông thường người ta nói ta chỉ cho những gì ta có. Nhưng em thì không có mà vẫn cứ cho. Em lấy chỗ dư bù vào chỗ thiếu. Thông thường người ta có mà không biết cho là gì. Còn em thì có rất nhiều sau khi đã cho. Hôm qua ở bệnh viện tâm thần Thầy thấy em thật là vui, đó là niềm vui có được sau khi đã cho. Những bệnh nhân tâm thần cười với em bằng những nụ cười thơ dại và vô tư và Thầy thấy em cũng cười một cách hồn hậu, vô tư không kém. Những ngày giáp Tết lẽ ra em phải lo sửa soạn nhà cửa cho tinh tươm, hoặc lo phụ bán buôn kiếm ít đồng thu nhập. Ngày làm tháng ăn mà em. Nhưng em đã bỏ thời gian đi gom góp chỗ này một ít, chỗ kia một ít để có được bữa cơm ngon cho bệnh nhân tâm thần. Em đi vận động chỗ này được mấy phần gạo, nhưng lại thiếu quà nhu yếu khác nên lại đi xin được chút chút bởi những người hảo tâm .. Hình ảnh Bồ Đề Diệp-Liên vận động cả sui gia, cả con cái trong nhà ...để có được bữa ăn ngon cho các bệnh nhân tại bệnh viện tâm thần; hình ảnh Bồ Đề Tuyết vận động bạn bè và con gái để có được những phần quà cho trẻ cô nhi chùa Bửu Hưng; hình ảnh Bồ Đề Bình và phu nhân vận động cho một lễ an vị Phật cho gia đình người bạn cuối đời muốn trở về nương tựa Tam Bảo; hình ảnh Bồ Đề Tự bỏ hàng bỏ quán cùng Mái Ấm Bồ Đề đi phát quà cho người nghèo, đi thăm Thầy cũ trọng bệnh; hình ảnh Bồ Đề Tài với chiếc xe cà tàng cũ kỹ lẽo đẽo cùng bè bạn đến mọi nơi cần đến để ban vui cứu khổ; hình ảnh mẹ con Nguyệt-Quang như hai chiến hữu tiền trạm việc gì cũng làm, ở đâu cũng tới, để hành thiện an vi, vẫn thản nhiên vô tâm trước những đa đoan phiền lụy của cuộc đời. Đặc biệt cháu Quang-một thanh niên- chẳng màng công danh, chẳng mơ sự nghiệp dành hết thời gian để trải lòng cũng Mái Ấm, sẻ chia cùng nỗi đau nhân thế ... 
        Em yêu quý. 
        Thầy cảm kích tấm lòng nhân ái, vị tha của em. Em- MABĐ - là một tổ chim én với những con chim đã chắt chiu từng chút miếng, hấp thụ tinh hoa của Đất, của Trời, của Biển để đem lại mùa xuân cho người cùng khổ. Một con én không đem lại mùa xuân nhưng nhiều con chim én cũng làm vơi đi nỗi đau của kẻ cơ hàn.
        Thầy thương em lắm, Thầy quý em lắm. Bức thư này xem như món quà cuối năm dành tặng các em thay vì huy chương, giấy khen, phong bì, danh hiệu...Em đã tập làm NGƯỜI và đã là con người đích thực là NGƯỜI. Muốn trở nên ông này bà nọ, làm người nổi tiếng, kể cả làm thánh, làm Phật trước hết phải là con Người đúng nghĩa và với tư cách một con Người như vậy, trong những ngày giáp Tết em đã làm được một mùa xuân đầu tiên : "Từ đây Người biết thương Người".
       Tình yêu thương không bao giờ có lần cuối.
-Nguồn :Blog Phạm Hạnh-

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyến đi chùa tại Đà Lạt của MABĐ (Phần 3)

Lễ Húy Nhựt Tổ Khai Sơn chùa Hội Phước

Phát cơm từ thiện tại trại bảo trợ tâm thần ngày 2-3-2012 (Phần 1)