Phát cơm từ thiện tại trại bảo trợ tâm thần ngày 13-3-2012

Với tinh thần lấy việc từ thiện - vốn là bước đi căn bản nhất trong quá trình tinh tấn Bồ Đề Tâm - là việc làm thường xuyên của mình. Ngày 13-3-2012, các "Bồ Đề Tâm" lại tiếp tục chương trình phát cơm từ thiện cho các bệnh nhân tâm thần hiện đang được điều trị tại Trại bảo trợ bệnh nhân tâm thần Bến Tre.
Việc nấu nướng thực phẩm để phát cho bệnh nhân tâm thần được chuẩn bị từ hôm trước tại nhà anh chị Diệp-Liên với sự giúp đỡ nhiệt tình của anh chị Xum-Mai đến từ Tân Hào, Giồng Trôm.
Chương trình hôm nay là hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho khẩu phần ăn trưa của 125 bệnh nhân tâm thần gồm thịt gà kho xả, rau dưa, nước trái cây và dưa hấu được sự đóng góp hỗ trợ của chị Sáu Thiểu (Cà Mau) : 500.000 đồng ; chị Hạnh (Bình Phú) : 100.000 đồng ; Út Hương : 100.000 đồng ; Mai Mỹ Phụng : 500.000 đồng ; chị Ng.T.Tự : 20kg dưa hấu ; chị Tuyết-anh Bình : nước trái cây.
Tổng tiền đóng góp nhận được kỳ này là: 1.200.000 đồng.
Tiền còn dư kỳ trước :                            1.500.000 đồng.
Tổng cộng :                                            2.700.000 đồng
Tổng tiền mặt chi cho buổi từ thiện hôm nay là : 900.000 đồng.
Tiền còn lại :  1.800.000 đồng.
"Những Bồ Đề Tâm" xin chân thành cám ơn và chúc sức khỏe các nhà tài trợ gần xa đã đóng góp cho chương trình từ thiện này.

Ngay từ sáng sớm, mọi người đã chuẩn bị tươm tất các món ăn dùng để phát cho các bệnh nhân. 

Hôm nay, ngoài nước sâm chị Liên tự nấu còn có món nước trái cây do chị Tuyết phát tâm làm từ trái khóm và mít tươi. Mùa này miền Tây nắng nóng, có nước sâm hoặc nước trái cây uống là rất tốt, giải nhiệt cơ thể, thích hợp cho bệnh nhân tâm thần. Còn trái cây ăn cùng cơm hoặc tráng miệng thì có chuối xiêm (bạn Hằng đóng góp) và dưa hấu do chị N.T.Tự phát tâm.

 Sau khi chuẩn bị xong xuôi, mọi người kéo nhau đến Trại bảo trợ bệnh nhân tâm thần.

 Sau khi qua cánh cửa cổng sắt, mọi người chạy xe giữa 2 hàng rào lưới cao gần 3 m của trại.

 Lại đi qua thêm một lớp cửa sắt nữa mới vào tới chỗ phát cơm. Để tiện việc quản lý, người ta đã xây nhiều lớp tường rào để phòng bệnh nhân bỏ trốn. Có lẽ vì là bệnh nhân tâm thần nên họ hay trốn trại chăng ?


 Sau khi vào đến nhà bếp của trại, mỗi thành viên của nhóm từ thiện tự chọn cho mình một vị trí làm việc. Nếu như anh Văn Tài, anh Diệp, vợ chồng bạn Tiên.v.v... chọn việc sửa soạn nước sâm và nước trái cây ở phía ngoài thì trong bếp chị Nguyệt, chị Tuyết và một số bạn trẻ khác cùng các nhân viên điều dưỡng của trại tiến hành xúc cơm và thức ăn vào các "thau" cơm.

 Những cái thau xanh, đỏ, tím,vàng...được đặt ngay ngắn trên những chiếc xe đẩy. Lúc trước có nhà từ thiện đề nghị mua sắm tặng trại bảo trợ những cái khay cơm chứ nhìn những cái "thau" này lại thấy tội tội. Tuy nhiên phía ban quản lý trại cho biết trại cũng có nhiểu khay rồi nhưng không dùng vì một số điều kiện không tiện.

Đây là khẩu phần tiêu chuẩn dành cho bệnh nhân tâm thần hôm nay. Cơm được nhà bếp của trại nấu. Còn thịt  gà kho xả và dưa do nhóm tài trợ.

 Vẫn như mọi khi, một số phần ăn phải dầm thức ăn ra cho nhuyễn vì có một số bệnh nhân răng yếu không nhai được. Vì khẩu phần ăn ở đây quanh năm chủ yếu là ăn cá (giá rẻ) nên việc có bữa cơm thịt là điều ít có. Lâu lâu ngẫu nhiên mới được một đoàn từ thiện đến phát cơm thịt cho họ đổi khẩu vị nên các Bồ Đề Tâm "tùy thuận chúng sanh", nếu ở đây thì phát cơm thịt, nếu đến bếp ăn bệnh viện Trần Văn An thì phát cơm chay vậy thôi.

 Một bệnh nhân tâm thần đang ăn cơm.

 Người chắp tay nhìn vào ống kính là anh Hên. Anh vào trại này đã lâu lắm rồi. Ngày xưa vì...bị xe tông mà anh ra nông nỗi như thế này. Nếu như phỏng vấn từng bệnh nhân một, chúng ta sẽ có hơn một trăm bi kịch cuộc đời khác nhau.

 Sau khi gần ăn cơm xong, các bệnh nhân được phục vụ nước sâm hoặc nước trái cây. Bữa cơm hôm nay có thể nói là chất lượng dinh dưỡng cao, nhất là trái cây khá phong phú.

 Đây là chú Quốc Tài. Vào trại cũng đã lâu. Vì có hàm răng như thế nên chú chỉ ăn bằng cách... nuốt trọng thức ăn.

  Như một thói quen và cũng là quy định, sau khi ăn xong, các bệnh nhân trật tự  ai về phòng nấy... Còn việc vệ sinh, dọn dẹp nhà bếp là việc của các điều dưỡng và một số bệnh nhân bệnh nhẹ.

Nữ về phòng nữ, nam về phòng nam.

 Cửa phòng nhanh chóng được đóng và khóa lại.

 Riêng anh Thảo (tên thật) thì được...tự do trong khuông viên trại. Không phải vào phòng. Có lẽ nhờ bệnh nhẹ.

Cũng như những lần trước, mọi người xúm lại nói chuyện với anh.
Lần này, có người hỏi : - Anh tên gì ?
- Tên Thắm !
- Năm nay anh mấy tuổi ?
- 10 tuổi !
- Chừng nào anh cưới vợ ?
- 26 (?)
- Vợ anh mấy tuổi ?
- 10 tuổi !
- Cưới vợ về làm gì ?
- ...Giặt quần (!)
- .......!
Ai nấy đều cười. Anh Thảo cũng cười một cách vô tư, hồn nhiên.
Không khí buổi phát cơm thật là vui.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyến đi chùa tại Đà Lạt của MABĐ (Phần 3)

Lễ Húy Nhựt Tổ Khai Sơn chùa Hội Phước

Phát cơm từ thiện tại trại bảo trợ tâm thần ngày 2-3-2012 (Phần 1)