Hoạt động từ thiện ngày 30-3-2012

Sáng ngày 30-3, các Bồ Đề Tâm đã có một buổi hoạt động từ thiện tại xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm.

 Mọi người lên đường từ sáng sớm, hành trình từ thành phố Bến Tre đến "trạm dừng chân" là nhà anh chị Xum-Mai để từ đây, theo sự giới thiệu và dẫn đường của anh Xum, cả nhóm sẽ đến thăm và tặng quà cho người nghèo tại khu vực xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm.

 Quà từ thiện vẫn như mọi khi là : gạo, đường, nước tương, bột ngọt, mì gói và có thêm tiền mặt từ đóng góp của anh Bình - chị Tuyết nữa. Tài trợ chương trình hôm nay là anh chị Diệp Liên, Xum-Mai

 Sau khi đến thăm hộ nghèo đầu tiên là nhà cụ bà Phạm Thị Chính, cả nhóm cùng nhau đến thăm chị Nguyễn Thị Chúc, một người nghèo, dị tật bẩm sinh.

 Anh Xum dẫn nhóm đến một ngôi nhà tình thương nằm sâu trong một khu đất trồng dừa vắng vẻ. Vừa mở cửa căn nhà tình thương ra, đập vào mắt mọi người là một thân hình phụ nữ gầy, tay chân dị thường, đang nằm trên giường, các ngón tay chân cong queo.

 Đây là chị Nguyễn Thị Chúc, năm nay 41 tuổi, bị dị tật bẩm sinh.
Đã 41 năm, tức là khoảng 14965 ngày đã trôi qua chị Chúc phải sống trong cơ thể bệnh tật như thế này.

 Tuy thân thể dị tật như thế nhưng đầu óc chị Chúc khá tỉnh táo, có thể nghe và trả lời câu hỏi của mọi người dù rằng giọng nói không được rõ lắm.

 Nước mắt lưng tròng, người dì (áo xanh trong hình) của chị Chúc cho biết, chị Chúc bị dị tật bẩm sinh, cả cha và mẹ đều đã qua đời từ lâu, còn lại người em trai và em dâu. Người em trai thì hiện đang làm việc tại Sài Gòn.Vì thế chị Chúc phải nương nhờ sự giúp đỡ tận tình của một người em dâu tên là Thủy. Hằng ngày, việc cơm nước, chăm sóc vệ sinh cho chị Chúc là do chị Thủy (em dâu) lo liệu. Gia đinh nghèo thế mà vợ chồng người em trai vẫn thương yêu, chăm sóc chị không nề hà khổ cực. Có điều lạ là tuy bị dị tật như thế, phải nằm một chỗ trong tư thế cong queo như thế, rất ít khi được ra ngoài trời và không thể tự tiêu tiểu được như thế nhưng chị Chúc lại ít khi bị bệnh gì khác ngoài dị tật bẩm sinh ấy.

Sau khi rời khỏi nhà chị Chúc, theo kế hoạch, nhóm sẽ đến thăm một hộ nghèo ở sâu hun hút trong vùng nông thôn xã Long Mỹ. Đường đi quanh co, khúc khuỷu, nhiều chỗ đường cong "cùi chõ".

Tuy là đã đi "tiền trạm" từ hôm trước nhưng anh Xum vẫn khó tìm ra nhà, phải hỏi đường người dân trong khu vực. Ở vùng nông thôn, nhà tuy có số địa chỉ nhưng việc tìm kiếm tốt nhất là hỏi người dân tại đó.

Mọi người lại tiếp tục chạy xe trên nhưng con đường nhỏ, quanh co...


Đoạn cuối hành trình là gửi xe, cuốc bộ khoảng hơn vài trăm mét.

Vì nhà hộ nghèo này ở nơi hẻo lánh, giao thông không có đường nào tiện ngoài đường "mượn" đi ngang qua đất người khác. Vì thế cả nhóm lội bộ qua những vườn chanh, vườn cam, dừa...


Cũng có đoạn đi lạc.


Rồi băng qua cầu khỉ được làm từ những cây cau ốm nhách !


Đoạn cuối là phải băng ngang qua nhà sau của người hàng xóm.


Trong ảnh là chị Nguyễn Thị Thùy Hương (chắc khoảng 30 tuổi), thuộc diện gia đình nghèo ở xã Long Mỹ.

Theo một người bà con cho biết, chị Hương vì có tuổi thơ không được hưởng tình thương trọn vẹn của mẹ cha cộng với trải qua nhiều cú sốc trong đời nên tâm lý không ổn định, thường khi nhớ khi quên, ăn nói thất thường. Chị bị mẹ bỏ rơi từ thuở nhỏ, Hương sống với người dì nhưng rồi lại bị người dượng xâm hại, rồi bị đánh đập nên phải ra riêng, một mình tự lo lấy thân, có bà con dòng họ giúp nhưng cũng chỉ đỡ phần nào. Sau tuổi thơ bất hạnh đó, tâm lý chị Hương không được bình thường, không có khả năng học hành lẫn buôn bán (không biết dùng tiền bạc), nói năng lẫn lộn. Hằng ngày phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Chị lập gia đình với một anh tên là Hậu và có hai con, một trai một gái. Đến nay gia đình chị Hương vẫn nghèo. Anh Hậu chồng chị tâm lý cũng không ổn định, cũng đi làm mướn và cả hai cứ một người đi làm mướn thì một người ở nhà trông nom con trai. Hiện ngôi nhà chị đang ở là nhà tình thương được nhà nước tài trợ. Đứng nghe người bà con kể cho các Bồ Đề Tâm nghe sơ sơ về cuộc đời mình, chị Hương khóc ròng. Ai thấy cũng xúc động. Theo anh V.Đ.Bình nhận định có khả năng Hương bị một cú sốc tâm lý hơn là tới mức bị bệnh tâm thần phân liệt. Anh Văn Tài góp ý : "Nếu có bác sĩ Phu (tức Thầy Phu) chắc trị được!"

Nhờ chủ trương nán lại ít phút để lắng nghe câu chuyện của người bất hạnh nên cả nhóm mới biết được cuộc sống khó khăn và mảng đời bi đát của chị Hương. 

Không có khoảng cách giữa người với người. Không khí ngôi nhà trở nên ấm áp.

Với tinh thần "đi làm từ thiện tức cũng là đi tu", các Bồ Đề Tâm không đi trao quà trong vội vàng, gấp gáp mà thay vào đó là nán lại thêm ít phút để gần gũi, sẻ chia, an ủi, lắng nghe tâm sự của người nghèo, người tàn tật, lắng nghe câu chuyện cuộc đời của những người bất hạnh. Nghe chuyện của họ, để thấu hiểu về cái khổ của họ để bản thân mình lo tu.

-dongquangus-

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyến đi chùa tại Đà Lạt của MABĐ (Phần 3)

Lễ Húy Nhựt Tổ Khai Sơn chùa Hội Phước

Phát cơm từ thiện tại trại bảo trợ tâm thần ngày 2-3-2012 (Phần 1)