Ra mắt Kỷ yếu Mái Ấm Bồ Đề


Thưa quý độc giả blog Mái Ấm Bồ Đề.
Trước khi hướng dẫn quý độc giả cách download quyển "Kỷ yếu Mái Ấm Bồ Đề", ban biên tập xin trích dẫn từ Kỷ yếu này phần "Thay lời nói đầu" và "Cùng bạn đọc thân" của Thầy Nguyên Minh (Tổng biên tập) như là đôi dòng tâm sự của ban biên tập blog gửi đến quý độc giả.


TỪ TRƯỜNG BỒ ĐỀ ĐẾN MÁI ẤM BỒ ĐỀ
Cùng bạn đọc thân mến,
Trên tay bạn đang có tập KỶ YẾU MÁI ẤM BỒ ĐỀ. Hẳn bạn sẽ có đôi điều thắc mắc: Nhóm Mái Ấm Bồ Đề từ đâu mà có và có tự bao giờ ? Và trường Bồ Đề thuộc loại hình trường gì, thuộc hệ thống giáo dục nào ? Sở dĩ có những thắc mắc trên vì ngôi trường ấy đã biến mất từ 36 năm rồi và sau 30 năm kể từ ngày trường bị “khai tử”, nhóm Mái Ấm Bồ Đề mới ra đời. Chừng ấy thời gian tuy không lâu so với chiều dài lịch sử song cũng đủ nhòe đi trong trí nhớ mỗi người. Ban biên tập kỷ yếu cảm thấy có trách nhiệm nhắc lại rằng cách đây 36 năm đã từng có một ngôi trường như thế và ngôi trường này đã từng đào tạo, giáo hóa những con người như thế.
Nhóm Mái Ấm Bồ Đề ra đời vào năm 2005, sau 30 năm kể từ ngày trường Bồ Đề Kiến Hòa giải thể để bàn giao cơ sở cho cách mạng. Thành viên trong nhóm hầu hết là cựu học sinh của trường Bồ Đề. Đó là những “hạt giống Bồ Đề” ít ỏi còn sót lại sau nhiều năm bị chà xát bởi hoàn cảnh. Có thể nói nhóm MABĐ là hậu thân của trường Bồ Đề cũ, là Hội ái hữu, là cựu học sinh của trường. Nhân đây xin nhắc lại vài nét đặc thù của loại hình trường Bồ Đề cũ.Trước năm 1975 hệ thống trường tư thục hoặc do tư nhân hoặc do các giáo hội các tôn giáo mở ra để thu nhận số học sinh không được vào trường công. Trường Bồ Đề là trường do giáo hội Phật giáo mở và dạy theo đường hướng giáo dục Phật giáo. Đường hướng giáo dục này được khái quát trong mấy dòng sau : “Phật giáo đặt trọng tâm vào việc GIÁO HÓA con người, giáo hóa NGƯỜI thành ra NGƯỜI, trở về đúng bản vị là NGƯỜI với trọn vẹn tất cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của chữ NGƯỜI. Chẳng những thế Phật giáo còn đưa con người đến chỗ siêu hóa, tự vượt mình thường xuyên để thể nhập cuộc sống toàn diện của thiên nhiên” ( Thích Minh Châu – Viện trưởng viện ĐH Vạn Hạnh).
Đường hướng giáo dục ấy được cụ thể hóa bằng phương châm gồm 3 chữ : BI-TRÍ-DŨNG. . Bi-Trí-Dũng không tách ra 3 thành phần khác nhau và không đối nghịch nhau, cả 3 diễn tả một THỰC TẠI SINH ĐỘNG. Trí đích thực là Trí khi có Bi và Dũng đi kèm. Bi đích thực là Bi khi có Trí soi sáng và có Dũng ủng hộ. Một con người mệnh danh là Trí thức phải là con người có lòng trắc ẩn và lòng can đảm đấu tranh cho sự thật, không sợ hãi trước nguy khốn. Nói gọn lại đường hướng giáo dục Phât giáo nhắm đến việc giáo hóa con người trở thành con người đích thực đúng nghĩa là NGƯỜI. Nền giáo dục của Nhật Bản đã thành công nhờ phương châm Nhân-Trí-Dũng. Nhờ vậy mà giá trị Nhật ngời sáng trong thiên tai, động đất, sóng thần vừa qua. Nền giáo dục đó đào tạo con người trước khi đào tạo chuyên viên. Bởi vì dù bác sĩ, kỹ sư, chính khách, doanh nhân.v.v… thì trước hết phải là CON NGƯỜI trước đã. Tất cả các trường thuộc hệ thống giáo dục Phật giáo đều đặt tên Bồ Đề. Hai chữ Bồ Đề phiên âm từ tiếng Sanskrit: Budhi. Budhi có thời dịch là Đạo (có 2 tầng nghĩa : 1 là Con đường ; 2 là Đức lý). Nghĩa chính xác nhất là Giác (Giác ngộ). Vì vậy Đạo Phật còn gọi là Budhisme, Đạo Bồ Đề, Đạo Giác Ngộ. Ta có thêm ngữ danh từ : Bồ Đề Tâm (Budhicitta) và ngữ động từ Phát Bồ Đề Tâm.
Như trên đã nói, nhóm MABĐ là hậu thân của mái trường Bồ Đề xưa cũ. Tuy không đủ thuộc tính của trường song vẫn còn duy trì, bảo dưỡng hạt giống Bồ Đề. Tinh thần của nhóm là Hoa-Trái của một hệ thống giáo dục theo đường hướng Phật giáo như đã nói trên, các thành viên trong nhóm đã từng được tu dưỡng, rèn luyện, học tập trong một ngôi trường như thế. Nhóm lấy tên “Mái Ấm Bồ Đề” là muốn lưu giữ hình ảnh của trường xưa, thầy cũ, đặc biệt là hạt giống Bồ Đề. Gọi là Mái Ấm vì ở đây ấm áp tình bằng hữu, nghĩa ân sư, lòng thương người và hạnh nguyện chuyển Mê thành Giác (Budhi).

  Cùng bạn đọc thân mến
Sở dĩ tập kỷ yếu này có tên là Kỷ yếu nhóm Mái Ấm Bồ Đề mà không lấy tên Trường Bồ Đề là vì nhóm không dám nhận là có đủ tư cách đại diện cho tất cả thầy và trò của trường Bồ Đề. Vả lại, thành viên trong nhóm không hẳn chỉ là cựu học sinh trường Bồ Đề mà còn có nhiều bạn khác tuy không cùng lớp cùng trường song có cùng mẫu số chung là “Tâm Bồ Đề”.
Tập kỷ yếu này cốt ghi lại những hoạt động của nhóm trong 5 năm qua như sinh hoạt bạn bè, đi làm từ thiện, tổ chức ngày nhà giáo, thăm viếng thầy cô giáo cũ .v.v… Bên cạnh các nội dung đó còn có những bài viết bày tỏ tình cảm đối với trường xưa, thầy cũ, đặc biệt là tâm nguyện giác ngộ, hướng thiện.
Nguồn xưa cuộn chảy về trời
Hai tay níu giữ rạch ròi từng trang.
Những trang viết, những tâm tình phục sinh của những tác giả mấp mem lứa tuổi lục tuần. Ở đây chẳng phải “trong héo ngoài tươi” mà tuy bên ngoài có đôi phần héo hắt nhưng bên trong vẫn còn tươi nhuận tình bạn, tình người, tình nghĩa ân sư và tình đồng đạo.
Trong cách trình bày, diễn đạt khó tránh khỏi đôi chút vụng về song xin hãy đọc bằng một tấm lòng với một tấm lòng.
Và bây giờ, xin…hãy…mời vào-

TM. BAN BIÊN TẬP

  NGUYÊN MINH


*Hướng dẫn cách download (tải về) quyển Kỷ yếu Mái Ấm Bồ Đề.
Kỷ yếu Mái Ấm Bồ Đề phiên bản download trên mạng được xuất bản dưới dạng tệp tin *.pdf, cho nên để xem được thì máy tính của quý độc giả cần phải cài đặt phần mềm "Adobe Acrobat Reader" version 8 (or higher) hoặc các phần mềm khác có hỗ trợ xem file *.pdf.
Vì thế, trước hết chúng ta cần cài đặt Adobe Acrobat Reader nếu trong máy hiện chưa có.
Đường dẫn để download phần mềm Adobe Acrobat Reader này là : http://ardownload.adobe.com/pub/adobe/reader/win/8.x/8.1.2/enu/AdbeRdr812_en_US.exe

Sau khi hoàn tất phần cài đặt trên, tiếp đến là download Kỷ yếu. Có 2 cách.

Cách 1 : Download từ trang MediaFire.com. Nhấp chuột vào đường link này : http://www.mediafire.com/?lawl4u9szkkz559
Quý độc giả nhấp chuột vào nút màu xanh lá cây có ghi : "Download (76.84 MB)". Máy sẽ tự động tải về máy tính.

Cách 2: Trong trường hợp không download được theo Cách 1, độc giả có thể download từ trang Google Docs. 
Nhấp chuột vào nút "Download (76 MB)" ở góc phải phía trên màn hình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chuyến đi chùa tại Đà Lạt của MABĐ (Phần 3)

Mái Ấm Bồ Đề - Vãn cảnh Phương Liên Tịnh Xứ (phần 1)

Hoạt động từ thiện tại Giồng Trôm ngày 13-5